Lịch sử Tẩy trắng trong phim ảnh

Hoạt động tẩy trắng đã diễn ra ở kinh đô điện ảnh từ kỉ nguyên phim đen trắng. Trường hợp đầu tiên là nhân vật Charlie Chan trong serie trinh thám cùng tên năm 1931. Vốn là người Trung Quốc, nhưng lên phim vai này lại do diễn viên Thụy Điển là Warner Oland đóng. Một năm sau, vai diễn Phúc Mãn Châu là người gốc Mông Cổ trong phim kinh dị Dr. Fu Manchu cũng rơi vào tay một diễn viên người Anh là Boris Karloff. Hàng loạt bộ phim sau đó như Dragon Seed, The Good Earth có nhân vật gốc Á đều được thể hiện bằng diễn viên da trắng. Từ thập niên 70 của thế kỉ trước đến nay, hành động “tẩy xóa màu da” này càng trở nên thô bạo. Giờ đây, các nhà làm phim Hollywood thậm chí còn thay đổi cả gốc gác nhân vật, cải tiến bối cảnh từ Đông sang Tây để tiện cho việc tuyển diễn viên da trắng. Chủ tịch Marvel là Kevin Feige đã thừa nhận sai lầm khi biến nhân vật gốc Á trong phim The Ancient One thành người da trắng trong loạt phim Doctor Strange.[9]

Điển hình nhất chính là Dragonball: Evolution (2008) phiên bản điện ảnh của bộ truyện tranh Nhật nổi tiếng. Bối cảnh đậm chất châu Á đã bị ném sang một vùng hoang mạc giữa lòng nước Mỹ và nhân vật chính Songoku trở thành một thiếu niên da trắng. Hay như phim bom tấn Edge of Tomorrow (2014) cũng tương tự. Phim nói về cuộc chiến chống người ngoài hành tinh, được xào nấu đến mức chiến trường Nhật Bản chuyển thành Mỹ, quân đội Nhật thành quân đội Mỹ và hai nhân vật chính người Nhật được tài tử Tom Cruise cùng người đẹp Emily Blunt người Mỹ thể hiện. Bộ phim Ghost in the Shell của hãng DreamWorks, được chuyển thể từ phim hoạt hình kinh điển của Nhật Bản cũng tương tự. Người đẹp Scarlet Johansson được chọn vào vai chính Motoko Kusanagi. Một nữ diễn viên tóc vàng mắt xanh đóng một nhân vật tóc đen, mắt nâu đã là nực cười nhưng còn hài hơn khi nhân vật ấy có tên tiếng Nhật nhưng nói tiếng Anh đặc sệt giọng Mỹ.[10]